16 May, 2005

Trách nhiệm của ai ???

Mới đây, trong nước xôn xao về một bài viết văn "lạc đề" của một học sinh lớp 11. Em này đã mạnh dạn phê bình nội dung đề bài mà các giáo viên đưa ra là không tạo cơ hội cho học sinh phát biểu cảm tưởng "tự do" về tác phẩm văn học mà đã gò ép học sinh phải phát biểu cảm tưởng theo ý định của ban giám khảo.

Nội dung chi tiết từ bài báo Tuổi Trẻ dưới.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=78604&ChannelID=118

Tôi nghĩ âu cũng là hệ quả tất yếu của một ý thức hệ trong một xã hội độc tài toàn trị thôi. Mọi hành vi xã hội đều được khuôn sáo sắp xếp theo ý định của một thiểu số những người cộng sản. Họ không chấp nhận những luồng tư tưởng "phi cộng sản" được rộng rãi phổ biến trong xã hội (cho dù ở cấp độ thảo luận hay tham khảo) mà độc tài cố vị trong vai trò "tuyên huấn-giáo dục" toàn xã hội chỉ "sống và làm việc" theo một mục đích hoàn toàn có tính cách lợi ích cục bộ chứ không phải vì lợi ích quốc gia. Hơn nữa, mục đích "xã hội cộng sản" của họ mơ hồ không thiết thực và đi ngược lại với quy luật của cuộc sống. Thiết nghĩ, quá trình tự do thực sự trong tư tưởng là tự do tiếp xúc với nhiều luồng tưởng khác nhau, sau đó con người tự mình tư duy. Để rồi từ đó, đúc kết ra những bài học hay phương pháp tốt nhất để tồn tại cũng như cải tạo xã hội. Đất nước Việt Nam hiện tại không phải ở trong một tình trạng lí tưởng, và việc cứ lập đi lập lại lối suy nghĩ "đất nước mình phát triển nhiều lắm rồi" hay "đất nước mình khác xưa nhiều lắm"....và an phận thủ thường thì sẽ chắc chắn gây hoạ trên bình diện toàn dân tộc Việt Nam theo một cách nhìn dài hạn. Cùng một số vốn và cùng một thời gian kinh doanh, anh sẽ được đánh giá là tài giỏi khi anh có thể đạt được sự "sinh lợi" hiệu quả nhất và cao nhất. Việt Nam xét về tổng quát có những nguồn tài nguyên và xét về bình diện thời gian cũng có thể so sánh là tương đối cùng ngang nhau về điểm xuất phát trong quá trình phát triển đất nước với nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc hay Thái Lan, Singapore... Thế nhưng, hiện trạng đất nước so với các nước đã ở vị trí sau lưng khá nhiều. Trách nhiệm của những nhà lãnh đạo quốc gia phải được minh bạch để trả lời cho sự thất bại trong quản lí nhà nước này.

Có thể những con người hiện tại bây giờ sẽ không thấy được những hậu quả của thái độ "dè dặt đổi mới", những "hoài nghi về sự lật đổ chính quyền khi thẳng thắn đối diện với những vấn nạn quốc gia" hay thậm tệ hơn nữa là sự "tham quyền cố vị vì mình đã có công làm cách mạng thì bây giờ được hưởng".... Nhưng rồi thời gian chỉ ra cho ta thấy hậu quả tất yếu là những con người của tương lai sẽ là nạn nhân vô tội của sự trì trệ phát triển đất nước.... Hiện trạng sự "xuống dốc" trong đời sống văn hoá của thanh niên Việt Nam qua những cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm trong những tụ điểm "phức tạp" theo như báo chí trong nước phản ảnh chính là hậu quả "thấy được" về sự vô trách nhiệm của chính quyền cộng sản. Chính quyền cộng sản chỉ lo "tham quyền cố vị" hay làm giàu vật chất mà không đoái hoài gì đến thành phần thanh niên tuổi trẻ. Họ lo vơ vét chừng nào hay chừng đó và có những giải pháp hoàn toàn mang tính cá nhân tức chỉ có lợi cho chính mình và gia đình, dòng họ, tập thể của riêng mình. Giáo dục thì khuôn sáo, thiếu sáng tạo, nhàm chán trong chính sách văn hoá "vô tính", tức nền văn hoá thiếu sự đa dạng hay những ý kiến sáng tạo đa dạng. Tư tưởng lúc nào cũng là Mác-Lênin, bài xích những ý kiến đối lập bằng bạo lực chứ không phải bằng chính nghĩa hay lí luận khoa học và do đó...một văn hoá kém lành mạnh lộng hành.

Chính quyền của những ngày hôm nay phải có trách nhiệm cho những vấn nạn quốc gia của ngày hôm nay, thậm chí của của ngày mai nữa.

09 May, 2005

Cập nhật trang nhà.....

Thế là đã tới tháng 5 rồi.

Hôm nay, sau khi đọc một số bài viết trên latawas, tôi đã lấy cảm hứng và đã vào lại trang nhà để cập nhật.

Mới đây, có xem một số đoạn phim video về buổi hội thảo của nhóm Chuyên gia Việt Nam tại Bắc Mỹ có trên trang http://www.vps.org/bm2004/ Tôi thấy tại sao mang tiếng là chuyên gia Việt Nam phát biểu với cử toạ là người Việt Nam mà bà con ta phát biểu tiếng Anh nhiều quá. Tôi nghĩ, nếu có bản lãnh là một chuyên gia VIỆT NAM thì phải nói tiếng Việt Nam đi chứ.

Ngoài lí do về bệnh lười suy nghĩ bằng tiếng Việt, tôi lo lắng hơn về sự vọng ngoại, thiếu tinh thần tự tôn dân tộc Việt qua những việc lạm dụng ngoại ngữ và coi thường tiếng Việt của một số trí thức Việt Nam.

Tôi không cho rằng những việc tôi làm giống như là hô hào "người Việt sử dụng hàng Việt Nam". Nên biết rằng, ngôn ngữ quan trọng hơn những xuất xứ của sản phẩm tiêu dùng. Ngôn ngữ là hiện thân của tư tưởng và một nền văn hoá nghèo nàn ngôn ngữ thì dẫn tới sự nghèo nàn tất yếu của chính bản thân nền văn hoá đó. Thiếu ngôn ngữ, tư tưởng con người bị giới hạn và do đó, sáng tạo văn hoá cũng bị giới hạn.

Gần đây, nhân dịp đại hội nhà văn Việt Nam, báo chí cứ than vãn là tình hình sáng tác văn học tại Việt Nam không phát triển và hơn nữa, không có những tác phẩm sáng giá gây chú ý đặc biệt. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân rất quan trọng theo tôi nghĩ là do chúng ta chưa có những thái độ tôn trọng tối thiểu đối với tiếng Việt và vì thế, tiếng Việt vẫn còn "nghèo nàn" và bơ vơ giữa những thái độ dửng dưng, việc sử dụng chính tả hỗn loạn của chính người Việt Nam.